Diễn Đàn 247 – Tiêm vắc xin là một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, sau khi tiêm vắc xin, có thể xảy ra một số dấu hiệu phản ứng phụ. Đây là 6 dấu hiệu sau tiêm vắc xin mà các mẹ cần hết sức lưu ý:
1. Sốt
Sốt là phản ứng bình thường sau tiêm. Bởi chúng ta đưa mầm bệnh “nhái” vào, cơ thể sẽ đáp ứng chống lại. Chúng ta mong chờ đáp ứng chống lại của hệ miễn dịch. Bất kỳ một đáp ứng chống lại nào của hệ miễn dịch cũng gây ra sốt. Tùy vào loại vắc xin, tùy vào chất lượng của vắc xin, tùy vào cơ thể bé, có trẻ sẽ sốt nhẹ, sốt vừa và có trẻ sốt cao.
Hãy cho uống thuốc hạ sốt ngay khi bé sốt. Bạn nên dùng nhiệt kế thủy ngân để đo nhiệt độ cho con, và cho bé uống ngay một liều hạ sốt khi bé sốt 38,5 độ C. Theo dõi tiếp tục trong 1h, 2h sau đó. Nếu sau 2h uống thuốc, bé không hạ được nhiệt độ về dưới 38 độ C hoặc bằng 38 độ C thì cần cho bé khám bác sỹ hoặc nhập viện ngay.
2. Thở nhanh, yếu
Nhịp thở của trẻ bình thường ước chừng từ 30-50 lần/phút, bạn nhìn bằng cử động phập phồng của bụng. Trẻ càng nhỏ thì thở càng nhanh. Sau tiêm, nhịp thở của bé sẽ tăng khoảng 5 lần/phút vào các lần sốt. Nhưng không được tăng quá 60 lần/phút với trẻ 1 tuổi và không được quá 70 lần/phút với trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi. Nếu nhịp thở của bé nhanh hơn chứng tỏ đường thở của bé đang gặp vấn đề.
Đừng đếm nhịp thở khi bé khóc vì rất khó quan sát. Thay vào đó bạn bình tâm đặt bé nằm trên giường, quan sát bé ngủ, hoặc bế bé trên tay và nhờ người khác đếm. Bạn đếm đúng 1 phút, đếm 3 lần, mỗi lần cách nhau 5 phút. Nếu nhịp thở cả 3 lần đều nhanh, bạn cần cho bé đi khám bác sỹ ngay để loại trừ phản ứng phụ đồng nhiễm với bệnh của phổi và bản thân vắc xin làm nặng bệnh đường hô hấp
3. Nôn trớ
Thường thì sau khi tiêm vắc xin, bé sẽ có sốt, và sốt cao thì sẽ nôn, vấn đề này không đáng lo. Tuy nhiên nếu bé vẫn nôn ngay cả khi không sốt, nôn khi sốt đã giảm hoặc nôn không liên quan đến bữa ăn, không liên quan đến quấy khóc, ho hắng thì ổ bụng của bé đang có kích thích mạnh. Lúc này vắc xin đã có phản ứng dạng dị ứng kích hoạt phản ứng nôn.
Bạn hãy ngừng các hoạt động cho ăn, cho uống vì bé sẽ càng nôn trớ hơn. Nếu bé khóc thì cưng nựng, bé sẽ hết nôn trớ. Nếu tình hình bé ổn, không khóc, hết sốt, không ép ăn uống mà vẫn tiếp tục nôn trớ, số lần nôn trớ từ 5 lần trở lên, đừng chần chừ thêm, hãy cho bé khám bác sỹ ngay.
4. Loét da và nổi hạch
Thông thường, sau tiêm vắc xin, bé sẽ có phản ứng miễn dịch tại chỗ tiêm. Vết tiêm là một quầng đỏ nhẹ, kích thước nhỏ, hơi nổi gồ, có thể hơi có một chút dịch. Nhưng tuyệt đối không được có mủ, không được kích thước to hơn 1cm, không được sưng hạch lân cận.
Bạn đừng tự ý cho bé uống thuốc, sẽ rất rắc rối. Sưng hạch lân cận có thể có 3 lý do: bản thân hạch bị viêm sẵn có tình cờ mắc phải, vùng lân cận bị viêm tình cờ trùng lặp với tiêm và mũi tiêm bị biến chứng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bạn cần cho bé đi khám bác sỹ ngay. Nếu mũi tiêm đó có biến chứng, bác sỹ sẽ thiết lập điều trị theo hướng phải giảm bớt tác dụng của mũi tiêm đó đi và lên phác đồ điều trị bài bản. Nếu không, hạch sẽ viêm mủ và sau đó là nhiễm khuẩn huyết.
5. Khóc thét kéo dài
Sau tiêm, một số em bé còn nhỏ, hơi quấy, có thể sẽ khóc suốt ngày hôm sau tiêm. Một số em bé cũng có thể hoảng sợ quá và khóc quá to, nhưng mọi thứ sẽ bình ổn khi bé quay trở lại nhà, lúc đó, bé sẽ bình tĩnh hơn và giảm khóc đi. Nhưng nếu bé đã khóc trên 2h mà không có dấu hiệu ngừng, khóc to, không phải khóc tỉ tê, thì đã kết luận là khóc thét kéo dài.
Bạn hãy tập trung năng lực dỗ bé, đánh lạc hướng bé vào một việc khác như xem phim hoạt hình, chơi đồ chơi làm giảm đau sau tiêm cho bé. Nếu biện pháp tâm lý này thành công thì bé sẽ giảm khóc. Còn nếu đã tiến hành mà bé không hết khóc, điều đó chứng tỏ bé bị 2 biến chứng sau đây: phản ứng phụ của vắc xin làm bé kích thích ổ bụng gây đau ở bụng, phản ứng phụ của vắc xin làm kích thích thần kinh gây phản ứng quá mức. Bạn hãy cho bé đi khám bác sỹ ngay, nếu cần thiết bác sỹ sẽ điều trị cho bé.
6. Li bì
Sau tiêm, đứa trẻ sẽ có phản ứng sốt, sau sốt cao là sẽ mệt và sẽ ngủ mê mệt, điều đó không đáng lo. Lo nhất là bé rơi vào trạng thái li bì, gọi không đáp ứng, cưng nựng nhưng không thích, cấu véo không phản ứng chống đối, chân tay cứng hơn hoặc trở nên mất trương lực mềm nhẽo, nhịp thở nhanh và yếu dần, da tím tái không còn hồng hào, bé yêu đã rơi vào trạng thái li bì. Đây là một tình huống cấp cứu. Bạn cần cho bé khám bác sỹ ngay, nhập viện ngay để theo dõi sát sao.
Tìm hiểu thêm: