Diễn Đàn 247 – Bệnh cường giáp là một trong những bệnh lý về tuyến giáp phổ biến hiện nay. Khi bị bệnh cường giáp, tuyến giáp sẽ tiết ra quá nhiều hormone giáp để điều chỉnh chức năng của cơ thể. Vậy bệnh cường giáp kiêng ăn gì tốt cho sức khỏe? Dưới đây là danh sách các loại thực phẩm kiêng kỵ khi bị bệnh cường giáp.
Bệnh cường giáp là gì?
Tuyến giáp (hình con bướm, nằm phía trước cổ) đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng chính của cơ thể như:
- Điều hòa thân nhiệt.
- Kiểm soát nhịp tim.
- Kiểm soát quá trình trao đổi chất (quá trình biến đổi thức ăn trong cơ thể thành năng lượng giúp cơ thể hoạt động).
Khi tuyến giáp ổn định, cơ thể được cân bằng, tất cả các hệ thống trong cơ thể hoạt động bình thường.
Nếu tuyến giáp tạo ra quá nhiều hoặc quá ít hormone đều ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của cơ thể.
Tuyến giáp tạo ra các hormon chính bao gồm: triiodothyronine, thyroxine. Bệnh cường giáp xảy ra do tuyến giáp hoạt động quá mức, giải phóng nhiều hormone tuyến giáp khiến quá trình trao đổi chất tăng nhanh.
Triệu chứng cường giáp
Người bị cường giáp thường có cổ to, giảm cân, nhịp tim nhanh (thường hơn 100 nhịp/phút), loạn nhịp, tim đập thình thịch (đánh trống ngực), lo lắng, run nhẹ ở tay, đổ mồ hôi, giảm kinh nguyệt, tiêu chảy, mệt mỏi, yếu cơ, khó ngủ, mỏng da, tóc mỏng dễ rụng…
Bệnh cường giáp kiêng ăn gì?
1. Thực phẩm giàu i-ốt
Ăn quá nhiều thực phẩm giàu i-ốt hoặc tăng cường i-ốt sẽ dẫn đến bệnh cường giáp hoặc làm cho bệnh tiến triển nặng hơn. Người bệnh cường giáp nên hạn chế ăn những loại thực phẩm giàu i-ốt như rong biển, tảo biển, cá hồi, sò điệp, các loại muối đặc biệt có i-ốt.
2. Thực phẩm có hàm lượng đường cao
Bệnh nhân cường giáp có dấu hiệu rối loạn chuyển hóa carbohydrate. Điều này dẫn đến khó kiểm soát lượng đường huyết trong cơ thể. Bệnh nhân cường giáp ăn nhiều đường còn làm tăng mức độ hồi hộp. Vì vậy, cần hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa nhiều đường như: nước ngọt, bánh kẹo… để tránh gây hại cho sức khỏe.
3. Các loại chất béo “xấu”
Chất béo “xấu” còn gọi là chất béo bão hòa, đông đặc ở nhiệt độ bình thường. Nó khiến cơ thể sản sinh ra cholesterol xấu (LDL), làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Thực phẩm chiên chứa nhiều chất béo “xấu” làm cản trở khả năng hấp thụ thuốc thay thế hormone tuyến giáp của cơ thể. Chất béo “xấu” cũng có thể làm giảm khả năng sản xuất hormone thyroxine của tuyến giáp. Người bệnh cường giáp không nên ăn những thực phẩm quá béo như: bơ, sốt mayonnaise, bơ thực vật, những thực phẩm chiên khác.
4. Sữa tươi nguyên kem
Sữa là thực phẩm giàu canxi tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, sữa nguyên chất, sữa tươi nguyên kem thường chứa nhiều chất béo. Người bệnh cường giáp tránh sử dụng do khó tiêu hóa. Với người bệnh cường giáp khi sử dụng sữa, các sản phẩm từ sữa nên chọn các sản phẩm từ sữa tách béo để bảo vệ sức khỏe, giúp tiêu hóa tốt.
5. Cà phê và đồ uống có chứa caffeine
Thực phẩm, đồ uống có chứa caffeine như: cà phê, trà, soda, sô cô la… làm các triệu chứng của cường giáp nặng hơn, dẫn đến tăng lo lắng, căng thẳng, khó chịu, nhịp tim nhanh. Người bệnh cường giáp nên tránh hoặc hạn chế dùng những loại nước uống này. Hãy thay thế bằng trà thảo mộc tự nhiên, nước có hương vị hoặc rượu táo nóng để bảo vệ sức khỏe.
6. Rượu, bia
Người bệnh cường giáp uống rượu có nguy cơ tiến triển bệnh nặng hơn do tuyến giáp phản ứng quá mức với hormone kích thích tuyến giáp. Rượu làm tăng mức độ khó chịu, gây căng thẳng ở những người bệnh cường giáp. Do đó, người bệnh tuyến giáp nên hạn chế hoặc không uống rượu để giảm biến chứng xảy ra.
Tìm hiểu thêm: